Viêm xoang là gì
Viêm xoang là tình trạng các xoang cạnh mũi (xoang trán, xoang sàng, xoang bướm, và xoang hàm trên) bị viêm nhiễm do vi rút, vi khuẩn, nấm hoặc phản ứng dị ứng gây ra. Đây là những hốc rỗng chứa đầy không khí, nằm phía sau xương gò má và trán, vốn được lót bởi niêm mạc (mô mềm) nhưng khi viêm sẽ tích tụ chất lỏng hoặc chất nhầy bên trong, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, tiến triển thành nhiễm trùng.
Nguyên nhân gây bệnh Viêm xoang
-
- Vi rút: làm sung huyết các mô mũi, chặn bít các lỗ thông thường dẫn lưu xoang gây nhiễm trùng xoang, thường có triệu chứng như cảm lạnh. Khi điều trị, bệnh có thể cải thiện sau 1 tuần, nhưng không sử dụng thuốc nhỏ thông mũi quá 5 ngày, tránh lệ thuộc thuốc và lưu ý thuốc phải được bác sĩ kê đơn, hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
- Dị ứng: người có cơ địa mẫn cảm với phấn hoa, lông vật nuôi, nấm mốc, nước hoa… dễ viêm xoang do dị ứng và thường bị nặng hơn.
- Vi khuẩn: nếu triệu chứng bệnh không giảm sau 10 – 15 ngày, có thể bạn nhiễm phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae hoặc vi khuẩn Haemophilusenzae. Đây là những vi khuẩn thường khu trú trong các khoang mũi họng.
- Polyp: đây là u nhỏ lành tính hình thành trong mô mũi hoặc xoang, khiến các hốc xoang tắc nghẽn, ngăn dịch mũi chảy ra và gây nhiễm trùng xoang. U nhỏ này cũng có thể hạn chế đường dẫn khí, gây đau đầu, giảm độ nhạy của khứu giác. Nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả, có thể phải phẫu thuật.
- Ô nhiễm không khí: gây kích ứng mũi, gây viêm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, nguy hiểm hơn ở người dị ứng hoặc hen suyễn.
- Ngâm mình hồ bơi quá lâu: chất clo có trong hồ bơi sẽ gây kích ứng niêm mạc mũi, gây viêm mô, hình thành bệnh viêm xoang do lặn lâu.
- Thường xuyên đi máy bay: việc đi máy bay liên tục, cơ thể không thích ứng kịp bởi càng lên cao, áp suất không khí càng giảm, gây áp lực tích tụ trong đầu, chặn đường dẫn khí và khiến các triệu chứng viêm xoang trở nặng. Bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ mũi hoặc ống hít trước khi máy bay cất cánh và hạ cánh để vùng xoang luôn sạch sẽ.
- Nấm: người có hệ miễn dịch yếu thường nhiễm nấm. Đơn cử, nấm Aspergillus phổ biến gây viêm xoang.
- Lạm dụng thuốc xịt mũi: nếu sử dụng thuốc không theo đơn bác sĩ, bạn có thể làm tắc nghẽn các mạch máu trong mũi.
- Hút thuốc lá: khói thuốc với người hút thuốc lá chủ động hay ngửi khói thuốc bị động đều có khả năng kích ứng mũi và gây viêm, dẫn tới nhiễm trùng xoang.
- Bất thường bẩm sinh vùng mũi: đường dẫn lưu hẹp, khe hở vòm miệng, lệch vách ngăn mũi… dễ bị nhiễm trùng xoang nên cần phẫu thuật sớm.
TRIỆU CHỨNG Viêm xoang
-
- Đau ở xoang: triệu chứng đặc thù của viêm xoang, cơn đau có khi chỉ thoáng qua. Cơn đau có thể xuất hiện ở trán, hai bên mũi, hàm trên hoặc giữa hai mắt.
- Chảy nước mũi: dấu hiệu viêm xoang mũi với chất dịch xuất phát từ xoang bị nhiễm trùng đôi khi có màu xanh, vàng hay trắng đục sẽ chảy vào mũi, gây ra tình trạng sổ mũi. Có khi chất chảy xuống phía sau cổ họng, gây ngứa ngáy hoặc đau họng khiến ho, nhất là lúc nằm ngủ, giọng khàn.
- Nghẹt mũi: nhiễm trùng gây phù nề vùng xoang và mũi, cản trở đường mũi thở dẫn đến nghẹt mũi, khứu giác kém nhạy cảm hơn.
- Đau đầu: vào sáng sớm do chất lỏng đã tích tụ, cơn đau đầu nặng hơn khi đi máy bay làm thay đổi áp suất đột ngột. Họng bị kích ứng và gây ho do dịch tiết ra từ xoang rồi chảy xuống sau cổ họng, nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Ngoài những dấu hiệu trên, người bệnh còn gặp các triệu chứng như: sốt, đau tai, đau răng, sưng vùng mặt, hôi miệng, mệt mỏi.
CÁCH PHÒNG NGỪA Viêm xoang
Đối với người lớn
-
- Chú ý đến việc phòng tránh nhiễm trùng đường hô hấp trên: hạn chế tiếp xúc với người bị cảm lạnh, rửa tay đúng cách trước mỗi bữa ăn, giữ ấm cơ thể.
- Tránh xa môi trường khói thuốc và không khí ô nhiễm giúp hạn chế nguy cơ gây kích ứng, viêm phổi và đường hô hấp.
- Chú ý đến các yếu tố gây dị ứng đường hô hấp như lông chó mèo, phấn hoa, nước hoa…
- Sử dụng máy tạo độ ẩm. Thêm độ ẩm vào không khí sẽ giúp ngăn ngừa viêm xoang. Lưu ý, vệ sinh thường xuyên máy để duy trì tình trạng máy luôn sạch và không có nấm mốc sinh sôi.
Đối với trẻ em
-
- Vệ sinh mũi cho trẻ đúng cách, đúng liều lượng bằng dung dịch nước muối (dạng xịt hoặc nhỏ)
- Sử dụng máy tạo độ ẩm nếu không khí trong phòng quá khô.
- Tránh tối đa việc trẻ hít phải khói thuốc hay các tác nhân gây dị ứng cho trẻ.
- Hạn chế cho trẻ đi bơi/ lặn quá lâu ở các hồ bơi chứa clo để không gây kích ứng mũi và xoang của trẻ.
- Hướng dẫn trẻ đeo khẩu trang, rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước.
- Tuân thủ việc tiêm chủng cho trẻ đúng lịch, đặc biệt là tiêm vắc xin ngừa cúm và các bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm phế cầu…).
- Không để trẻ tiếp xúc gần với người bị cảm lạnh hoặc người bị nhiễm trùng đường hô hấp trên.
- Khi trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài, cần đưa trẻ đi khám và điều trị đúng cách tại các chuyên khoa Tai – Mũi – Họng.
