Tổng quan về bệnh tuyến giáp
Tuyến giáp là tuyến nội tiết vô cùng quan trọng của cơ thể, giữ vai trò thiết yếu trong việc chuyển hóa và phát triển. Bất kỳ bất thường nào của tuyến giáp cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới người bệnh.
Tuyến giáp nằm ở phía trước cổ (nằm trước khí quản), có chức năng tiết, dự trữ và giải phóng hai hormone: T4 (Thyroxine) và T3 (Triiodothyronine). Rối loạn tuyến giáp có thể là nguyên nhân gây tiết ra quá nhiều hoặc quá ít hormone. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tuyến giáp bao gồm những người đã hoặc đang có bệnh tự miễn (chẳng hạn như tiểu đường).
Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai. Trong đó, tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở phụ nữ cao gấp 5 – 8 lần so với bệnh tuyến giáp ở nam giới. Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ khác có thể kể đến như:
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tuyến giáp.
- Mắc các bệnh: thiếu máu ác tính, tiểu đường tuýp 1, suy thượng thận nguyên phát, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Turner.
- Dùng thuốc có nhiều iod (amiodarone).
- Người trên 60 tuổi, đặc biệt phụ nữ.
- Từng điều trị bệnh tuyến giáp hoặc ung thư.
Nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp
Nguyên nhân gây bệnh tuyến giáp được hình thành bởi các yếu tố khác nhau:
– Bệnh Graves – tình trạng hormone tuyến giáp sản xuất ồ ạt do rối loạn hệ thống miễn dịch. Đây là nguyên nhân phổ biến gây bệnh cường giáp và có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.
– Nhân tuyến giáp làm việc quá mức
– Viêm tuyến giáp
– Khối u ở tuyến yên nhưng không phải ung thư
– Thiếu hụt hoặc dư thừa iod
– Viêm tuyến giáp Hashimoto
– Viêm tuyến giáp sau sinh, thường xảy ra ở 5 – 7% phụ nữ sau khi sinh nở.
– Suy giáp bẩm sinh, ước tính cứ 4000 trẻ sẽ có 1 trẻ sơ sinh bị mắc bệnh. Những trẻ này rất dễ gặp vấn đề về tinh thần, thể chất nếu không được điều trị kịp thời.
– Rối loạn tuyến yên làm gián đoạn việc sản xuất hormone ở tuyến giáp. Tuy nhiên, tình trạng này rất hiếm khi xảy ra.
– Tác dụng phụ của xạ trị trong việc điều trị ung thư, hoặc do phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp (một phần hoặc toàn bộ).
Dấu hiệu bệnh tuyến giáp
Khi tuyến giáp hoạt động bình thường, nhịp độ trao đổi chất trong cơ thể luôn ổn định, không quá nhanh hay quá chậm. Bất kỳ sự thay đổi nào của tuyến giáp cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Do đó, cần nhận biết bệnh sớm để có hướng điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Những dấu hiệu giúp nhận biết bệnh về tuyến giáp:
- Thay đổi cân nặng: người bệnh có thể tăng cân khi mắc suy giáp, hoặc giảm cân nếu mắc cường giáp.
- Nhạy cảm với nhiệt độ.
- Mệt mỏi, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Trầm cảm, lo lắng.
- Gặp các vấn đề ở cổ hoặc họng: sưng, đau, khó nuốt hoặc thở, khàn giọng,…
- Da khô hoặc phát ban bất thường, tóc dễ gãy rụng, móng tay giòn.
- Các bệnh về tiêu hóa: với suy giáp, người bệnh có thể bị táo bón dai dẳng. Trong khi cường giáp gây tiêu chảy, phân lỏng hoặc hội chứng ruột kích thích.
- Ảnh hưởng đến kinh nguyệt và khả năng sinh sản: bệnh tuyến giáp nếu kéo dài có thể gây rối loạn kinh nguyệt, tăng nguy cơ sảy thai, thậm chí vô sinh.
- Mắt: đỏ, sưng, mờ hoặc chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
- Chất lượng cuộc sống: sa sút trí nhớ, giảm khả năng tập trung,…
- Cơ, xương, khớp: đau cơ, khớp hoặc hội chứng ống cổ tay.
Chẩn đoán bệnh tuyến giáp như thế nào?
Chẩn đoán bệnh tuyến giáp dựa vào triệu chứng, khám lâm sàng và xét nghiệm. Các triệu chứng của bệnh lý tuyến giáp rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của các vấn đề sức khỏe khác.
Khi nuốt, tuyến giáp sẽ di chuyển, nhờ đó giúp việc thăm khám dễ dàng hơn. Vì vậy, các bác sĩ thường yêu cầu người bệnh nuốt khi thăm khám lâm sàng. Bên cạnh thăm khám tuyến giáp, bác sĩ có thể sẽ khám da, mắt, kiểm tra cân nặng và nhiệt độ cơ thể.
Các xét nghiệm chẩn đoán vấn đề tuyến giáp:
- Xét nghiệm máu; Siêu âm tuyến giáp; Xạ hình tuyến giáp
- Trong phương pháp xạ hình tuyến giáp, người bệnh được uống một lượng nhỏ đồng vị I-ốt phóng xạ. Sẽ có một camera đặc biệt phát hiện những vùng tuyến giáp hấp thụ phóng xạ I-ốt này. Kết quả xạ hình cho thấy những vùng tuyến giáp giảm hoặc tăng hoạt động. Không chỉ định xạ hình tuyến giáp cho phụ nữ có thai.
- Siêu âm có thể giúp chẩn đoán bệnh tuyến giáp
- Siêu âm có thể giúp chẩn đoán bệnh tuyến giáp
Các bệnh về tuyến giáp thường gặp
1. Suy giáp
Tuyến giáp không tiết ra đủ hormone giáp để duy trì chuyển hóa bình thường của cơ thể, dẫn tới suy giáp.
Nguyên nhân gây suy giáp
Nguyên nhân thường gặp của suy giáp là viêm tuyến giáp, trong đó tuýp phổ biến nhất là viêm tuyến giáp Hashimoto. Ở bệnh nhân viêm tuyến giáp, hệ miễn dịch nhầm tưởng các tế bào tuyến giáp là những “kẻ xâm nhập” gây hại cho cơ thể. Khi đó, cơ thể sản sinh các tế bào bạch cầu phá hủy tuyến giáp.
Đồng thời, tuyến yên giải phóng hormone TSH, kích thích tuyến giáp tiết thêm hormone giáp. Nhu cầu này khiến tuyến giáp to dần, gọi là bướu giáp. Ngoài viêm tuyến giáp, chế độ ăn thiếu I-ốt cũng là nguyên nhân dẫn đến suy giáp.
Các triệu chứng của bệnh suy giáp
Các triệu chứng của bệnh suy giáp thường khởi phát và phát triển từ từ:
- Mệt mỏi, lờ đờ;
- Tăng cân; Rụng tóc;
- Ăn không ngon;
- Kinh nguyệt thay đổi;
- Giảm ham muốn.
- Dễ bị lạnh; Táo bón;
- Nhức mỏi cơ bắp;
- Phù quanh mắt;
- Móng giòn, dễ gãy.
Điều trị suy giáp
Hầu hết bệnh nhân suy giáp được điều trị bằng phương pháp uống thuốc hormone tuyến giáp, tăng dần liều lượng cho đến khi hormone tuyến giáp trong máu đạt ngưỡng bình thường.
2. Cường giáp
Cường giáp là hệ quả của việc tuyến giáp sản sinh quá nhiều hormone tuyến giáp, khiến tốc độ chuyển hóa chất tăng bất thường.
Nguyên nhân gây cường giáp
Nguyên nhân gây bệnh cường giáp hay gặp nhất là bệnh Basedow. Bệnh thường ảnh hưởng nhiều nhất tới phụ nữ trong độ tuổi từ 20 – 40. Dấu hiệu ở giai đoạn trễ của Basedow là lồi mắt.
Ngoài ra, bệnh nhân sau điều trị suy giáp, uống quá dư thừa hormone giáp có thể mắc bệnh cường giáp.
Một nguyên nhân khác dẫn tới cường giáp là nhân giáp nóng, do những nhân này sản sinh ra lượng hormone tuyến giáp dư thừa.
Lồi mắt do Basedow, dấu hiệu của Basedow giai đoạn trễ là lồi mắt.
Các triệu chứng của bệnh cường giáp
- Mệt mỏi; Sút cân;
- Lo lắng; Tim đập nhanh;
- Đổ nhiều mồ hôi; Dễ bị nóng;
- Kinh nguyệt thay đổi;
- Nhu động ruột tăng; Run rẩy.
Điều trị cường giáp
Bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc kháng giáp để giảm số lượng hormone tuyến giáp tiết ra, thuốc chẹn beta để kiểm soát nhịp tim nhanh.
Trường hợp những thuốc này không có tác dụng, bệnh nhân có thể được khuyên uống đồng vị I-ốt phóng xạ liều mạnh, hoặc một số trường hợp được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
3. Bướu giáp (bướu cổ)
Bướu giáp hay còn gọi là bướu cổ hình thành do kích thước tuyến giáp gia tăng hoặc sự phát triển tế bào bất thường. Bệnh phổ biến ở phụ nữ trên 40 tuổi. Ước tính có khoảng 15,8% dân số trên toàn thế giới mắc bướu giáp, trong khi tỷ lệ này ở Hoa Kỳ là 4,7%.
Nguyên nhân gây bướu giáp
- Thiếu iod trong chế độ ăn.
- Bệnh Graves.
- Suy giáp bẩm sinh.
- Viêm tuyến giáp.
- Khối u tuyến yên.
Các triệu chứng của bệnh bướu giáp
- Sưng hoặc căng ở cổ.
- Khó thở hoặc nuốt.
- Khàn giọng.
4. Ung thư tuyến giáp
Khi tế bào bình thường phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể sẽ hình thành nên các tế bào ác tính (ung thư).
Những yếu tố khiến người bệnh dễ mắc ung thư tuyến giáp:
- Người từ 25 – 65 tuổi, đặc biệt phụ nữ.
- Từng tiếp xúc với các tia bức xạ.
- Đã từng mắc bướu cổ.
- Mắc bệnh di truyền, chẳng hạn như ung thư tuyến giáp thể tủy.
- Tiền sử gia đình mắc ung thư tuyến giáp, bướu cổ hoặc bệnh tuyến giáp khác.
Ung thư tuyến giáp chia thành hai nhóm: ung thư tuyến giáp thể biệt hoá và ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá.
Nhóm ung thư tuyến giáp thể biệt hoá tiến triển chậm, tiên lượng tốt, gồm:
- Ung thư biểu mô tuyến giáp nhú.
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang.
- Ung thư biểu mô tuyến giáp loại kết hợp thể nhú và nang.
Nhóm ung thư tuyến giáp thể không biệt hoá thường nhanh di căn, gồm:
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể tủy.
- Ung thư biểu mô tuyến giáp thể không biệt hoá.
Với những chia sẻ trên, hi vọng người bệnh đã hiểu rõ hơn về bệnh tuyến giáp cũng như nguyên nhân, dấu hiệu của bệnh. Từ đó, người bệnh có thể được phát hiện và điều trị kịp thời, tránh tình trạng tiến triển nặng. Đặc biệt, cần tới ngay cơ sở y tế uy tín để thăm khám khi bạn hoặc người thân nghi ngờ hoặc xuất hiện dấu hiệu bệnh.